Lượt xem: 80
Phỏng vấn Bác sĩ Huỳnh Đa Huýt, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ quản lý chất lượng huyện Châu Thành về phòng, chống bệnh Sởi
Tình hình bệnh sởi hiện nay phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số ca mắc. Mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh sởi. Để hiểu rõ hơn về bệnh sởi, cũng như là cách phòng, chống bệnh, Ban Biên tập có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Đa Huýt, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ quản lý chất lượng huyện Châu Thành về phòng, chống bệnh Sởi.

         Phóng viên: Xin chào Bác sĩ  Huỳnh Đa Huýt - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ quản lý chất lượng huyện Châu Thành. Lời đầu tiên cảm ơn Bác sĩ đã dành thời gian cho buổi trao đổi này!

         Thưa Bác sĩ, được biết hiện nay, tình hình bệnh sởi tại một số tỉnh, thành phố  diễn biến phức tạp. Vậy Bác sĩ cho biết cụ thể tình hình bệnh sởi hiện nay như thế nào; đối tượng dễ bị nhiễm và mức độ nguy hiểm của bệnh ra sao?

         Bác sĩ Huỳnh Đa Huýt: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Trước đây hầu hết trẻ em đều mắc sởi. Việc triển khai rộng rãi tiêm vắc xin sởi trong nhiều năm đã khống chế thành công bệnh sởi

         Theo thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình bệnh Sởi tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam hiện nay rất đáng báo động. Từ đầu năm đến hết tháng 6 năm 2024, đã ghi nhận 40 ca mắc, bệnh xuất hiện trên địa bàn của nhiều tỉnh như Kiên Giang, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long,... tại tỉnh Sóc Trăng cũng đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Sởi (Trần Đề 02 trường hợp, Mỹ Xuyên 01 trường hợp). Tại huyện Châu Thành chưa ghi nhận trường hợp mắc.

         Đối tượng dễ bị nhiễm, theo báo cáo, các ca mắc thường có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng hoặc không được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh Sởi. Số ca mắc Sởi tăng cao trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dẫn đến việc phải tạm ngưng triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên tại nhiều địa phương, kèm theo đó việc gián đoạn nguồn cung vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2023 làm cho nhiều trẻ em không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi, tạo ra lỗ hỏng miễn dịch lớn trong cộng đồng, dễ dàng làm lây lan dịch bệnh.

         Mức độ nguy hiểm của bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.”

         Phóng viên: Xin Bác sĩ chia sẻ thêm về cách phòng, chống bệnh Sởi như thế nào?

         Bác sĩ Huỳnh Đa Huýt: Để  phòng chống bệnh  sởi chúng ta cần:

         Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bệnh sởi/rubella, cách nhận biết và biện pháp phòng chống bệnh sởi.

         Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.

         Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi/rubella là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất. Có thể sử dụng vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp (sởi – rubella hoặc sởi-quai bị-rubella).

         Đối tượng và lịch tiêm vắc xin sởi:

         Trẻ nhỏ: tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

          Đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi.

          Đối tượng và lịch tiêm vắc xin rubella:

         Đối tượng: từ 9 tháng tuổi trở lên. Cần chú trọng tiêm vắc xin rubella cho trẻ em, nữ tuổi sinh đẻ và một số nhóm có nguy cơ mắc cao: cán bộ y tế, giáo viên…

          Số liều: tiêm 1 liều vắc xin rubella.

         - Tiêm bổ sung vắc xin sởi/rubella trong các chiến dịch thực hiện theo hướng dẫn của Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

         Phóng viên: Nếu không may nhiễm bệnh Sởi, cần xử trí như thế nào, thưa Bác sĩ?

         Bác sĩ Huỳnh Đa Huýt:

         Khi phát hiện có trường hợp nghi mắc bệnh/ổ dịch/dịch sởi cần thực hiện ngay các biện pháp sau:

         Đối với bệnh nhân: Cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ cho cách ly tại nhà. Trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại các cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế.

         Đối với cộng đồng: Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về bệnh sởi: cách nhận biết và các biện pháp phòng chống.

         Tăng cường vệ sinh cá nhân nhất là đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người sống cùng nhà, thấy thuốc trực tiếp chăm sóc, điều trị).

          Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella,  hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch, không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.

         Đồng thời khử trùng và vệ sinh thông khí, thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày, làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch,  lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.

         Cần  thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân trong cộng đồng khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

         Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ!

Gia Bảo
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 130
  • Hôm nay: 961
  • Trong tuần: 10 345
  • Trong tháng: 8 790
  • Tất cả: 2512206
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.