Lượt xem: 267
Nghề đan đát ấp Phước Quới, xã Phú Tân góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn
29/12/2024
Xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng từ lâu đã nổi tiếng với các nghề truyền thống của đồng bào Khmer như: đan đát, quết cốm dẹp và vẽ tranh trên kính. Hiện tại, sản phẩm đan đát của người dân ấp Phước Quới, xã Phú Tân đã được nhiều người biết đến bởi sự tinh tế, tỉ mỉ với sự cần cù, cùng bao tâm quyết, gắn bó như máu thịt với nghề, dù phải đương đầu với các mặt hàng bằng nhựa đang bày bán trên thị trường nhưng đối với những sản phẩm làm ra từ vật liệu tre, trúc với các dụng cụ: bội gà, sà ngom, cần sé và khênh đựng bún…hiện nay vẫn được nhiều người đến đặt hàng và mua về phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Theo nhiều chị em sống bằng nghề đan đát cho biết, gắn bó với nghề này hơn chục năm nay và muốn gìn giữ nghề truyền thống này. Chị Lâm Thị Nết cho biết: “Làm nghề đan đát đối với gia đình là do ông ngoại truyền dạy cho mẹ, rồi mẹ Chị dạy nghề lại cho Chị. Hiện tại chị làm chủ yếu là cần xé, mỗi cái bán khoảng 40.000 đồng, chưa trừ phi phí tiền công đan, tiền mua trúc để đan, 2 vợ chồng Chị kiếm thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Công việc cũng nhàn vừa làm việc nhà, vừa đan. Cây trúc mua về chẻ rồi phơi khô đừng cho bị ẩm, mốc , cần xé khi đan chú ý đường cho có lổ dưới đáy , nan chọn đan là nan phải cứng. Nghề này làm lâu rồi, riết cũng quen, tui đâu có dùng bao tay đâu, tại đeo vào vướng bận, mà nếu những ai hổng rành nghề đan thì hay bị dầm đâm và chảy máu ”.

Chị Lâm Thị Nết, ấp Phước Quới, xã Phú Tân đang chẻ trúc để chuẩn bị đan cần xé.
Còn ông Sơn Hoàng Diệu, ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành cho biết: “ Tôi làm nghề đan cần xé gần 20 năm rồi, nghề này thấy thu nhập ổn định một ngày làm khoảng 3-4 cái cần xé, kể cả vót trúc luôn, vừa làm ruộng, vừa đưa các cháu đi học rồi vừa đan cần xé…”

Ông Sơn Hoàng Diệu, ấp Phước Quới, xã Phú Tân đang phơi cần xé



Nghề đan cần xé giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn
Với người dân ấp Phước Quới, xã Phú Tân xem làng nghề đan đát là niềm tự hào. Đối với họ, giữ làng nghề cũng như góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống ở một vùng quê nông thôn../.
Nhật Vi