Lượt xem: 25
Nét văn hóa độc đáo Lễ hội truyền thống Thắk Côn (Cúng Dừa) của người Khmer xã An Hiệp
Lễ hội Thắk Côn hay còn gọi là Lễ Cúng Dừa, là một lễ hội độc đáo riêng biệt của đồng bào Khmer ấp An Trạch, xã An Hiệp và được hình thành theo truyền thuyết cách nay khoảng 300 năm, được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ. 

         Thắk Côn là cách gọi theo tiếng Khmer là lễ hội Đạp Cồng. Theo các cụ cao niên, xưa kia ở vùng đất An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò đất hình dạng như chiếc cồng, chân người giẫm lên nghe âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Dân gian cho là sự linh thiêng bèn lập miếu thờ và cứ đến ngày rằm tháng 3 (tính theo Phật lịch) hằng năm, dân làng An Trạch lại tổ chức lễ hội cầu an tại chùa Mahasal Thatmon (huyện Châu Thành) và gọi đó là Lễ hội Thắk Côn.

         Lễ hội Thắk Côn được xem như một trong những lễ hội mang tính cầu an của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội này bắt nguồn từ một truyền thuyết về gò đất nổi lên, khi dẫm chân lên có âm thanh vang như tiếng cồng. Qua quá trình lịch sử, sự kiện này dần dần được linh thiêng hóa và trở thành tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp. Nét độc đáo của lễ hội là bình bông làm bằng trái dừa thể hiện  ước vọng, an lành, mùa màn bội thu. 

         Lễ hội Thắk Côn có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục truyền thống, thúc đẩy con người sống thiện, sống đẹp để ngày một hoàn thiện bản thân, giao lưu văn hóa các dân tộc, quảng bá du lịch của địa phương và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

         Lễ hội Thắk Côn cũng là dịp để cho nhân dân và du khách thập phương được hưởng thụ những giá trị văn hóa cổ truyền giàu bản sắc như: nghệ thuật trình diễn dân gian Dù kê, nghệ thuật múa Chhay-dăm, múa Rom Vong, nhạc Ngũ âm... sự đa dạng của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong lễ hội Thắk Côn làm cho không gian của hội luôn mới mẻ, tươi vui, bên cạnh những nghi lễ tâm linh truyền thống rất trang trọng và linh thiêng.

Lễ hội Thắk Côn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

         Theo ông Danh Bun, Ban Quản trị miếu Thắk Côn cho biết:  Lễ hội Thắk côn là một hình thức cúng dừa, mục đích cầu an cho cộng đồng người Khmer với những lễ vật mang đậm màu sắc. Đây là dịp để đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng thể hiện ước vọng về sự an lành hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người có cuộc sống bình yên, ấm no hạnh phúc. Đồng thời Lễ hội Thắk côn còn mang ý nghĩa nhắc nhở thế hệ con cháu hãy luôn tưởng nhớ về cội nguồn ông bà tổ tiên để sống có trách nhiệm, chan hòa yêu thương, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

         Hàng năm Miếu Thắtk côn còn hỗ trợ kinh phí cho địa phương để xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở và góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Trong thời gian qua Miếu Thắk côn luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho Miếu Thắt côn hoạt động, nhất là dịp diễn ra lễ hội hàng năm. Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống Lễ hội Thắk Côn ( Cúng Dừa) của người Khmer xã An Hiệp chúng tôi rất vui mừng, sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, từng thành viên Ban Quản trị Miếu Thắk côn và đồng bào phật tử luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer trên địa bàn góp phần phát triển ngành du lịch ở địa phương”.

         Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi thể quốc gia trong thời gian tới, phát biểu tại Lễ đón nhận Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống Lễ hội Thắk Côn ( Cúng Dừa) của người Khmer xã An Hiệp, ông Sơn Pô, Phó Giám Đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị. Cộng đồng cư dân và chính quyền xã An Hiệp phối hợp  Ban Quản trị Miếu Thắk Côn tự nguyện tổ chức lễ hội hàng năm đúng theo quy định của pháp luật.

         Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức kiểm kê, thực hiện nghiên cứu, đánh giá khoa học về thực trạng bảo tồn cũng như những giá trị đặc trưng, độc đáo riêng của lễ hội, trên cơ sở đó tham mưu cấp thẩm quyền định hướng giải pháp phát huy giá trị và mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng hoạt động tổ chức lễ hội.

         Đưa lễ hội vào Chương trình phát triển văn hóa của Chính phủ, tổ chức lễ hội một cách bài bản hơn. Tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội Thắk Côn thành sản phẩm du lịch đặt trưng để khai thác gắn với quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân địa phương.

         Phối hợp với các cơ quan chuyên môn về văn hóa để xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Thăk Côn trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau Lễ công bố Quyết định và trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này, tôi đề nghị chính quyền địa phương cần xây dựng Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, từ đó làm tốt công tác phối hợp với cơ quan chuyên môn bảo vệ và phát huy giá trị di sản, góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo tồn gìn giữ kho tàng di sản văn hóa dân tộc”.

         Việc  công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống Lễ hội Thắk Côn ( Cúng Dừa) của người Khmer xã An Hiệp nhằm bảo tồn, phát huy , tôn vinh giá trị di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, tái hiện các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer gắn với Tín ngường thờ cúng Tổ tiên. Thu hút đầu tư, bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển thương hiệu và tăng cường quảng bá, giới thiệu về giá trị di tích văn hóa, lễ hội truyền thống, độc đáo, hình ảnh, con người Sóc Trăng đến du khách trong và ngoài tỉnh qua đó tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương./.

Dương Võ
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 106
  • Hôm nay: 1075
  • Trong tuần: 2 961
  • Trong tháng: 1 075
  • Tất cả: 3048928
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.