Lượt xem: 55
Nghề đan đát của người Khmer ở xã Phú Tân
28/10/2024
Xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có nghề đan đát tre, trúc từ hàng trăm năm nay. Đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân tộc Khmer.
Bà Lâm Thị Phên, 75 tuổi, người Khmer ở ấp Phước Quới, kể rằng từ 60 đến 70 năm nay, ông bà ta đã biết dùng tre trúc để đan giỏ, rổ, cần xế... để dùng trong gia đình. Thời gian rảnh rỗi sau vụ mùa, bà con làm ra sản phẩm mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập.
Để làm ra được sản phẩm đồ nan hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn và rất kỳ công. Sau khi cây tre trúc được đốn về phải cưa thành từng khúc nhỏ ngắn dài tùy theo từng sản phẩm, kích cỡ lớn hay nhỏ, chẻ ra từng mảnh nhỏ, tách bỏ ruột, chuốt cho bóng sau đó đan thành những chiếc giỏ, rổ, cần xế. Ngày xưa, mỗi ngày người dân chỉ hoàn thiện được từ 1-2 sản phẩm.
Sản phẩm làng nghề đan đát
Sau khi làm xong đem gác bếp để tăng thêm độ dẻo dai của sản phẩm, có thể sử dụng trong vài năm. Giá cả mỗi sản phẩm dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng. Bà Phên được ông bà truyền lại cho nghề đan đát từ năm 10 tuổi và làm nghề cho đến ngày nay. Mỗi tháng bà thu nhập được từ 5-7 triệu đồng. Cũng theo bà, nghề đan đát tương đối đơn giản, bà con lớn tuổi cũng làm được.
Để nâng cao thu nhập cho bà con, chị Châu Hồng Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành, đã quan tâm tạo điều kiện cho chị em hội viên phát triển ngành nghề truyền thống, kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ cho THT để tạo thêm thu nhập cho tổ viên tổ hợp tác.
Ngày nay với cuộc sống hiện đại các vật liệu bằng nhựa được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên sản phẩm nhựa khi đưa ra môi trường không phân hủy được và tồn tại trong đất hàng trăm năm. Chính vì vậy trong thời gian gần đây, các sản phẩm tiêu dùng được tạo ra từ nguyên liệu tre trúc được phát triển trở lại khá phổ biến, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân tại địa phương và các khu vực lân cận, đồng thời phục vụ khách du lịch với các mặt hàng trưng bày, lưu niệm...
Từ nhu cầu phục vụ cho người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch đến xã Phú Tân. Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho tổ hợp tác các trang thiết bị như máy chẻ và chuốt nan phục vụ cho việc sơ chế nguyên liệu đan, nhằm giảm thời gian sơ chế nguyên liệu, tăng số lượng sản phẩm được tạo ra gấp 3 lần so với việc thực hiện theo phương pháp thủ công, với nhiều mặt hàng và mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước/.
Lê Trinh - Phú Tân