Lượt xem: 1850
Giải pháp bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống
Huyện Châu Thành là một trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh, có vị trí quan trọng nhiều mặt, có Quốc lộ 1A đi qua và nhiều lộ giao thông liên tỉnh, liên huyện rất thuận tiện đi lại. Huyện còn là cửa ngỏ để vào trung tâm thành phố Sóc Trăng. Huyện có 8 đơn vị hành chính, với 25.353 hộ dân cùng với 95.582 người, chiếm 7,92% dân số trung bình của tỉnh gồm cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng cư ngụ từ lâu đời, người Kinh chiếm 47,87% dân số toàn huyện, người Khmer chiếm 48,58%, người Hoa chiếm 3,47%, còn lại dân tộc khác chiếm 0,05%  cùng với nhiều ngôi chùa mang kiến trúc đặc trưng của cộng đồng các dân tộc, lễ hội diễn ra trong năm, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa tâm linh tín ngưỡng, lễ hội và làng nghề, du lịch cộng đồng, buôn bán các đặc sản địa phương cho du khách… với những làng nghề nổi tiếng như: làng nghề bánh pía, đâm cốm dẹp, đan đát, vẽ tranh trên kiếng… những làng nghề đã hình thành nên một nét văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho các địa phương.

Làng nghề đâm cốm dẹp ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành

         Hiện nay, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, gặp không ít khó khăn và thách thức trong bảo tồn và phát triển. Vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống một cách bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục tồn tại và phát triển đang là vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện. Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030". Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện đề ra các giải pháp bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện cụ thể:

         1. Quy hoạch các làng nghề truyền thống như bánh pía, đâm cốm dẹp, đan đát, vẽ tranh trên kiếng, tập trung đầu tư, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo tồn và khôi phục. Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển như đan đát, vẽ tranh trên kiếng, hướng tới hỗ trợ mở rộng thị trường đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Quy hoạch các làng nghề truyền thống theo hướng vừa sản xuất vừa phát triển du lịch, góp phần định hướng phát triển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

         2. Có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để các làng nghề phát triển. Trên cơ sở thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Quyết định 2276/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh Pía” xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025. Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn có tiềm năng phát triển làng nghề cần có chính sách thông thoáng, hỗ trợ về vốn vay, mặt bằng và thông tin để các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn dễ tiếp cận nguồn vốn, cơ chế cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế.

         3. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của các làng nghề đan đát. Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống thì trước hết hướng thành lập hợp tác xã đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng, có sự kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở cùng với địa phương giúp đỡ cho cơ sở, tạo việc làm cho người lao động, góp phần  phát triển kinh tế, ổn định đời sống tại địa phương, để sản xuất ra những sản phẩm thủ công ngày càng chất lượng, phong phú, đa dạng, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho bà con mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm của làng nghề tiếp cận và tiêu thụ tốt tại nhiều thị trường mới.

         4. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững. Để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Huyện xác định phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tranh thủ thu hút đầu tư đa đạng hóa các sản phẩm du lịch mà huyện có lợi thế như du lịch tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa lễ hội và làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ,…Đồng thời làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi pháp lý phù hợp và thông thoáng, tạo điều kiện cho du lịch có bước phát triển.

         Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính vì vậy, với sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương để thực hiện các giải pháp trên, chắc chắn làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Châu Thành sẽ tìm được cơ hội mới, nhiều triển vọng để tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống nói chung, làng nghề bánh pía, đâm cốm dẹp, đan đát, vẽ tranh trên kiếng nói riêng nhằm bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống địa phương./.

Quốc Cường
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 118
  • Hôm nay: 2280
  • Trong tuần: 19 781
  • Trong tháng: 78 620
  • Tất cả: 2371494
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.