Lượt xem: 1041
Nông dân Châu Thành tích cực tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp
Qua gần 3 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VII về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, nhiều hội viên nông dân ở huyện Châu Thành tích cực tham gia vào chi, tổ hội nghề nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế hộ

Mô hình nuôi bò của ông Phạm Văn Phù, ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện.

         Hội nông dân huyện đã chỉ đạo hội cơ sở thành lập ít nhất 1 mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể, thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất hàng hóa lớn, tạo dựng thương hiệu và tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường.

         Tại xã Hồ Đắc Kiện, 12 thành viên trong tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi bò ấp Cống Đôi hiện đang nuôi 70 con bò, trung bình 1 con bò nuôi trong khoảng 1 năm có thể bán được trên 15 triệu đồng/con. Thành viên được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, để bò không bị nhiễm bệnh, hàng ngày cho ăn uống đầy đủ cỏ tươi, rơm rạ, nước sạch, bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết, tuân thủ lịch tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh, thì bò có thể sinh trưởng và sinh sản đều đặn theo lứa, đem lại nguồn thu nhập chính cho nông dân trong Tổ. Thời gian tới, thành viên sẽ được hướng dẫn thêm về xây dựng hầm bioga, cách ủ phân bò để làm phân bón hữu cơ trong trồng trọt, tăng gia sản xuất; phối hợp tập huấn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo và kỹ thuật cho bò cái sinh sản, để nhân rộng, phát triển số lượng đàn bò lên. Cho biết về hoạt động của tổ, ông Phạm Văn Phù - Tổ trưởng tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi bò, ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện nói: "Cứ họp vào ngày mùng 9 hàng tháng, Tổ triển khai các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau như: hùn vốn, hùn quỹ, Quỹ hỗ trợ nông dân. Khi thành lập tổ nghề nghiệp nuôi bò này các hộ cũng đều hưởng ứng, hứa hẹn phong trào của ấp có thể phát triển dần lên, cuộc sống của nông dân đảm bảo và phát triển. Tổng đàn bò nuôi mà sinh sản đều ra như thế này thì bán 3 con bò cho thu nhập 1 năm gần được 100 triệu. Số hộ chăn nuôi bò cũng cần vốn của trên quan tâm và hợp đồng doanh nghiệp, bao tiêu đầu ra để thu nhập nông dân phát triển hơn".

         Còn xã Phú Tâm hiện có 2 tổ hội nghề nghiệp trồng màu ở ấp Phú Hòa A. Các thành viên được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giải ngân cho vay 200 triệu đồng để phát vay cho các hộ có nhu cầu phát triển mô hình, thời hạn 24 tháng và lãi suất hàng tháng ở mức 0,7%, nông dân rất phấn khởi, chí thú làm ăn, vượt khó vươn lên.

         Ở mô hình trồng bắp, giá bán hiện nay 2.600 đồng/trái, sau hơn 2 tháng kỳ công chăm sóc, nông dân có lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng/công. Ngoài ra nông dân còn trồng dưa hấu, sau thời gian khoảng 2 tháng trồng, giá bán hiện nay 8.500 đồng/ký, nông dân đảm bảo có lời khoảng 10 triệu đồng/công dưa.

Mô hình trồng bắp của ông Thạch Hai, ấp Phú Hòa A, xã Phú Tâm

         Còn về mô hình trồng rau màu, nông dân cải tạo đất làm ruộng để xuống giống các loại rau màu ngắn ngày, bình quân khoảng 18 đến 20 ngày có thể cho thu hoạch. Trồng rau màu nhẹ vốn đầu tư, chủ yếu là công chăm sóc, chú ý tránh nguồn nước mặn và trồng thuận theo mùa vụ để giảm nhẹ chi phí phân bón, có thể cho thu hoạch quanh năm. Trung bình khoảng 4 tháng/vụ màu nông dân đạt lợi nhuận từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/công. Ông Lê Văn Ngón - Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp trồng màu ấp Phú Hòa A, xã Phú Tâm nói thêm: "Phổ biến chính sách Nhà nước có thể hỗ trợ cho kỹ thuật, hoặc là con giống, nguồn giống thì bà con cũng hiểu được hăng hái tham gia tổ trồng màu của Hội nông dân Phú Hòa A. Cũng có nhiều bà con làm đạt thì cũng rất là phấn khởi. Từ lúa khác với hoa màu khác nhau ở chỗ, nếu mà mình xuống được hoa màu, nếu mà mình làm được đạt hiệu quả thì nó có thể lời gấp 7 lần so với 1 công lúa. Nếu mà chuyển đổi được qua trồng màu thì nó có thu nhập khá hơn so với trồng lúa nhiều.

         Nếu như năm 2019 toàn huyện chỉ có 2 tổ hội nghề nghiệp, đến nay đã có 16 chi, tổ hội được thành lập. Tham gia vào chi, tổ hội nghề nghiệp quyền lợi của hội viên được đảm bảo hơn. Do vậy trong năm 2021 đã có thêm 2 chi hội, 2 tổ hội nghề nghiệp được thành lập mới, ra mắt 1 Hợp tác xã và 2 tổ hợp tác.

         Qua công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ của Hội nông dân các cấp; sự đoàn kết, giúp nhau trong hội viên và chính sự cố gắng, quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của hội viên đã giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Cho biết về giải pháp để duy trì và phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân của huyện thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nhơn - Huyện ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện nói: "Giải pháp nâng cao chất lượng của chi hội và tổ hội nghề nghiệp, Ban thường vụ Hội nông dân cũng xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, thành bại hoạt động của hội, phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn kiện toàn lại tổ chức bộ máy của hội. Vận động Hội nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Phối hợp các ngành có liên quan mở các lớp đào tạo cho nông dân. Hỗ trợ cho nông dân các nguồn từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, ngân sách của huyện chuyển sang và quỹ vận động trong nông dân. Chỉ đạo cho hội nông dân các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp với ngân hàng chính sách cho vay gói ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ gia đình chính sách khác, nhằm giảm nghèo trong năm 2021 và những năm tiếp theo".

         Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời nắm bắt các nhu cầu cần hỗ trợ của thành viên; tổ chức tập huấn mô hình hoạt động, lợi ích của kinh tế tập thể để nông dân hiểu và tiếp tục gắn bó tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp, với nhiều điều kiện thuận lợi cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng nhau hợp tác để hưởng lợi. Tin tưởng rằng, sẽ có thêm nhiều nông dân tích cực tham gia vào chi, tổ hội nghề nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp huyện Châu Thành xanh và bền vững./.

Mỹ Dung
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 1377
  • Trong tuần: 3 277
  • Trong tháng: 32 041
  • Tất cả: 2169009
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.