Lượt xem: 792
Kế hoạch sản xuất lúa hè thu năm 2021 của nông dân huyện Châu Thành
Vụ lúa đông xuân năm 2020 - 2021 trên địa bàn huyện Châu Thành gặp không ít khó khăn, thử thách trong tình hình biến đổi khí hậu thời tiết diễn biến rất phức tạp, nước mặn thường xuyên xâm nhập vào trong nội đồng từ cuối tháng 12 năm 2020 có thời điểm cuối tháng 2 độ mặn lên trên 4‰. Song song đó là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lúa trên thị trường không ổn định giảm từ 500 đồng đến 1.500 đồng/kg so với đầu vụ làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của bà con nông dân.

Nông dân thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành làm đất xuống giống vụ lúa hè thu năm 2021

         Theo dự báo của Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam nguồn nước ngọt có thể thiếu hụt vào cuối mùa khô, nước mặn xậm nhập kéo dài đến cuối tháng 4.

         Cũng theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ mùa mưa năm nay có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

         Vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, xuống giống trên 26.811 ha đến nay đã thu hoạch được 15.430 ha, diện tích còn lại đang giai đoạn trổ, chín chờ thu hoạch.

         Hàng năm sau khi thu hoạch lúa đông xuân nông dân thường xuống giống sớm vụ lúa hè thu. Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay cần phải có các giải pháp đồng bộ, có sự chỉ đạo tập trung của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, các ban ngành đoàn thể và sự phối hợp của bà con nông dân.

         Qua theo dõi tình hình thời tiết và điều kiện sản xuất tại các xã, thị trấn, để chủ động trong công tác phòng tránh thiên tai và hạn chế dịch bệnh xảy ra trong vụ hè thu năm 2021, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi chỉ tiêu UBND huyện giao.

         Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, dự kiến các đợt rầy di trú trong thời gian tới như sau: tháng 4: từ ngày 20 đến ngày 30/4. Tháng 5: từ ngày 15 đến ngày 25/5. Tháng 6: từ ngày 20 đến ngày 30/6.

         Trên cơ sở dự báo rầy nâu di trú, tình hình thủy văn hạn, mặn để xác định lịch gieo sạ cụ thể cho từng vùng, tránh xuống giống quá sớm có thể gặp mặn và các đợt khô hạn kéo dài đầu vụ, sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa, các xã, thị trấn tùy vào tình hình thực tế tại địa phương xác định lịch xuống giống cụ thể cho từng vùng, từng khu vực theo phương châm xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy.

         1. Về thời vụ xuống giống:

         Dự kiến vụ hè thu trên địa bàn huyện Châu Thành chia làm 2 đợt xuống giống chính:

         Đợt 1: bà con nông dân xuống giống vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2021, thu hoạch trong tháng 8, đợt này xuống giống chiếm trên 40% diện tích đất canh tác nông nghiệp, khoảng 7.000 ha; tập trung tại các khu vực vùng đất trũng chủ động được tưới tiêu có đủ nước ngọt phục vụ sản xuất nằm trong khu vực dự án Ba Rinh - Tà Liêm.

         Đợt 2: theo khuyến cáo của ngành chức năng bà con chú ý xuống giống hết diện tích còn lại vào cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 và thu hoạch trong tháng 9.

         2. Cơ cấu giống khuyến cáo sử dụng

         Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống xác nhận trong sản xuất, ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo.

         Các giống lúa cao sản chất lượng cao và đặc sản tiếp tục khuyến cáo sử dụng, các giống chủ lực như: OM 5451, OM 18, Đài thơm 8 và các dòng lúa ST.

         Một số vấn đề mà bà con cần quan tâm trong vụ sản xuất lúa hè thu năm nay đó là, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân tiến hành cày xới, phơi đất chờ có nước mưa hoặc có nước ngọt đổ về tiến hành bơm xả phèn, rữa mặn. Bón vôi xả phèn, mặn trước khi xuống giống khoảng 100 kg đến 200 kg/ha; đồng thời kết hợp cho nước vào ruộng ngâm 3 ngày đến 5 ngày xả nước bỏ và sau đó cho nước vào lại vài lần đến khi nào độ mặn dưới 1%o thì mới xuống giống. Bón phân hữu cơ để cải tạo đất và tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết trong vụ hè thu, hạn chế bón nhiều phân đạm.

         Sử dụng giống lúa cấp xác nhận, gieo sạ mật độ thưa hợp lý từ 80 kg đến 100 kg/ha, đánh rãnh thoát phèn mặn giúp cây lúa mọc mầm khỏe mạnh.

         Tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình 3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm, mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học.

         Các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo mở rộng xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất tập trung trong qui hoạch, tăng cường công tác xúc tiến thương mại phối hợp với các doanh nghiệp triển khai thực hiện cánh đồng liên kết.

         Vụ lúa hè thu năm 2021 sản xuất trong điều kiện khí tượng thủy văn còn nhiều

diễn biến bất thường, khả năng nắng hạn, mặn đầu vụ và mưa nhiều cuối vụ tình hình dịch hại luôn tìm ẩn nguy cơ bộc phát có thể ảnh hưởng đến sản xuất.

         Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành đề nghị: UBND các xã thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí lịch thời vụ cụ thể từng vùng, tổ chức chỉ đạo xuống giống vụ hè thu 2021 đạt hiệu quả.

         Thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi huyện, nhân viên Trung tâm Bảo vệ thực vật, Khuyến nông viên, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và bà con nông dân triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra.

         Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh và có giải pháp ứng phó kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi vụ lúa hè thu năm 2021./.

Mỹ Dung
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 1181
  • Trong tuần: 3 081
  • Trong tháng: 31 845
  • Tất cả: 2168813
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.