Lượt xem: 1101
Tình hình sản xuất vụ lúa đông xuân của nông dân huyện Châu Thành
Hiện nay nông dân huyện Châu Thành tập trung thu hoạch vụ lúa đông xuân chính vụ. Ở thời điểm đầu vụ nông dân rất phấn khởi khi giá lúa tăng cao so với cùng kỳ, trà lúa đông xuân sớm giá bán được 6 ngàn đồng đến 6 ngàn 5 trăm đồng/kg lúa tươi, nông dân có lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành chăm sóc lúa đông xuân.

Đông xuân là vụ lúa chính của bà con nông dân huyện Châu Thành, với nhiều điều kiện thuận lợi về thời tiết, thông tin dịch bệnh của ngành chuyên môn để chủ động phòng trừ, ứng phó. Nên bà con rất tập trung đầu tư cho vụ lúa này, với diện tích xuống giống toàn huyện hơn 26.811 ha, đạt 101% so với cùng kỳ năm 2020; chủ yếu là các giống lúa đặc sản 

chiếm khoảng 52% tổng diện tích gieo sạ, các giống chủ lực như:  RVT, ST 24, ST 25, Hương Châu 6 và Đài thơm 8. Giống lúa cao sản, gồm các chủng loại OM như:  OM 18, OM 380, OM 3673, OM 5451 chiếm khoảng 44%.

Căn cứ lịch thời vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nông dân huyện Châu Thành xuống giống lúa đông xuân trong 3 đợt, gồm có vụ đông xuân sớm diện tích 20.4512 ha, thời gian bắt đầu gieo sạ từ tháng 9, tháng 10 năm 2020. Ở trà lúa này, nông dân canh tác lúa trong điều kiện thời tiết còn mưa, nên có phần diện tích lúa mới gieo sạ bị chết cũng như sinh trưởng, phát triển kém. Nông dân đã thu hoạch xong diện tích 11.000 ha vào tháng 12 năm 2020, sản lượng đạt 71.864 tấn; năng suất đạt 6,1 tấn/ha, chi phí đầu tư thấp khoảng 25 triệu đồng/ha, giá lúa nông dân bán được từ 6 ngàn đồng đến 6 ngàn 5 trăm đồng/kg, đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận 20 triệu đồng/ha.

Trà lúa đông xuân chín vụ, nông dân canh tác trong điều kiện thời tiết tốt nhất, với diện tích đã xuống giống được 4.956 ha, nông dân hiện nay đã thu hoạch được 367 ha, năng suất đạt khá cao 8 tấn/ha, giá lúa bán hiện tại là 5 ngàn 8 trăm đồng đến 7 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư bà con còn lợi nhuận từ 25 triệu đồng đến 27 triệu đồng/ha.

Và vụ lúa đông xuân muộn xuống giống 10.179 ha, chủ yếu ở vùng ngoài hệ thống đê bao khép kín ở xã Phú Tâm, Phú Tân để tránh ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập. Riêng ở xã An Ninh, mặc dù nằm trong hệ thống đê bao nhưng vùng này thuộc đất gò cao, nên có thể bị thiếu nguồn nước tưới vào cuối vụ, nên nông dân đã xuống giống trễ, thời gian từ đầu tháng 01 năm 2021 do thực hiện lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ở vụ lúa này, có thể bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nên năng suất sẽ không bằng so với vụ lúa đông xuân chính vụ.

Hiện nay trà lúa đang phát triển tốt và trong giai đoạn trổ chín, do ảnh hưởng không nhiều của khô hạn và xâm nhập mặn, nên dự kiến cuối tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa gieo trồng. Vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân huyện Châu Thành gặp khó khăn về tình hình nước mặn xâm nhập sớm, nhưng độ mặn không cao như những năm trước, thời điểm độ mặn cao nhất vào cuối tháng 02/2021 đo tại kênh 20, xã Phú Tân là 4,09%o. Và độ mặn đã giảm dần vào cuối tháng 3, chỉ còn 0,6%o đến 0,8%o. Nên lúa không bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho bà con nông dân có lợi nhuận cao trong vụ lúa đông xuân này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai các giải pháp để chủ động ứng phó với hạn mặn như: lắp đặt 5 trạm quan trắc và tăng cường công tác kiểm tra, đo độ mặn 2 lần trong ngày, quản lý hệ thống cống điều tiết nước, theo dõi diễn biến của thời tiết, thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Để đảm bảo nguồn nước tới cho vụ đông xuân của bà con nông dân, ông Trần Hữu Phước - Trưởng Trạm quản lý thủy nông huyện Châu Thành cho biết: "Trạm luôn thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng công trình; kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, khắc phục công trình trước mùa hạn mặn. Công tác quản lý nước thì được thực hiện thường xuyên, liên tục và đúng theo kế hoạch được duyệt. Đồng thời, độ mặn thì được trạm cập nhật liên tục từ 2 giàm Nhơn Mỹ và giàm Đại Ngãi vì là hướng xâm nhập chính vào huyện Châu Thành, để phục vụ cho công tác vận hành kịp thời, hợp lý. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp của huyện, các xã, thị trấn có công trình nằm trong vùng Dự án Ba Rinh, Tà Lim, theo dõi, nắm chặt chẽ về lịch thời vụ xuống giống của bà con nông dân vùng Dự án để có giải pháp vận hành công trình hợp lý về nguồn nước. Trạm luôn theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, về nguồn nước ở đầu nguồn sông Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long. Trạm dùng giải pháp công trình là lấy nước vào từ cống Ba Rinh và xả 2 cống Trà Canh 1 và Trà Canh 2 trên kênh Sóc Trăng - Phụng Hiệp, nhằm ngăn không cho mặn xâm nhập sâu vào huyện Châu Thành. Luôn bố trí người trực 24/24 tại các điểm đo mặn và tại vị trí 15 cống trên đê Trà Quýt để thăm dò độ mặn đồng thời khi độ mặn dưới ngưỡng cho phép thì lấy nước để tích nước cho vùng Dự án. Đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn vận hành đồng bộ các cống ngầm ngăn đê Trà Quýt "

Bên cạnh những thuận lợi, thì 2 tuần nay, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành đứng ngồi không yên do giá lúa giảm nhiều so với thời điểm đầu vụ, nguyên nhân giảm là do thị trường tiêu thụ khó khăn. Nhưng so với năm rồi, năng suất và giá bán vẫn cao hơn, nông dân được giá và trúng mùa hơn. 

Ông Nguyễn Văn Dưỡng - Nông dân ấp Xây Đá A, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành cho biết: "Đầu vụ có mời bà con lại dự họp chọn giống và bà con thống nhất 2 loại giống, hợp tác giống ở Hậu Giang, lấy giống về cho bà con và hợp đồng bao tiêu. Cuối vụ bán lúa được thuận lợi, không bị bể kèo, bỏ cọc, giá lúa Đài thơm 8 bán được 6.800 đồng/kg, còn giống lúa RVT bán được 7.250 đồng/ký. Bán được giá cao cho nên bà con ai cũng vui lòng, phấn khởi hết. Lợi nhuận, trừ chi phí ra khoảng hơn 4 triệu đồng/1 công. 10 ngày nữa, giá lúa RVT được bỏ cọc 6.500 đồng/ký. Giá cả và thu mua được mau lẹ, vừa giá cả, vừa năng suất thì hơn mấy vụ trước".

Theo đánh giá của ngành chức năng vụ lúa đông xuân trên địa bàn huyện Châu Thành, nông dân ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh, nguồn nước tưới ổn định. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức được 10 lớp tập huấn về giải pháp phòng chống hạn mặn và phòng trừ sâu bệnh trên lúa. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn ra quân thực hiện công trình giao thông thủy lợi mùa khô đợt 1, đạt 73% kế hoạch. Thực hiện được 90 điểm cánh đồng sản xuất tập trung, với hơn 4.925 ha, được doanh nghiệp thu mua vào cuối vụ, chiếm 38%/tổng diện tích trong cánh đồng lớn, năng suất đạt tương đương so với các cánh đồng bên ngoài, nhưng do sản xuất tập trung nên nhiều bà con nông dân giảm được chi phí đầu tư, khoảng 2 triệu đồng/ha, vì thế mà lợi nhuận đạt cao hơn. Về hướng dẫn nông dân xuống giống vụ lúa hè thu tới ông Nguyễn Văn Hận - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành có ý kiến: "Để chuẩn bị cho vụ xuống giống hè thu năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành căn cứ vào công văn chỉ đạo chung của Sở Nông nghiệp về chăm sóc cây lúa đông xuân cũng như chỉ đạo xuống giống vụ hè thu, Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành đã phối hợp các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2021 để đạt hiệu quả thì trong đó cần tập trung một số giải pháp, chú ý xuống giống làm sao tránh được hạn mặn ở đầu vụ, rồi sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện sản xuất trong vụ hè thu rồi thị trường tiệu thụ ổn định. Tăng cường các giải pháp chăm sóc lúa làm sao hạn chế thiệt hại do tình hình biến đổi thời tiết cũng như dịch hại xảy ra. Và một điều đặc biệt chú ý là các giải pháp chăm sóc lúa trong điều kiện mùa mưa làm sao hạn chế đổ ngã thiệt hại vì trong vụ hè thu thì tình hình mưa bão diễn biến rất phức tạp. Do vậy ngành chuyên môn tập trung hỗ trợ, hướng dẫn bà con".

Trong vụ sản xuất lúa hè thu tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hướng dẫn bà con nông dân thời điểm xuống giống, bắt đầu xuống giống đồng loạt, tập trung vào đầu tháng 5, chia làm 2 đến 3 đợt gieo sạ, tùy theo khu vực, đối với vùng trũng, chủ động được nguồn nước ngọt tưới tiêu thì khuyến cáo nông dân xuống giống trước; vùng hơi gò xuống giống sau; còn vùng đất cao, không chủ động được nguồn nước tưới thì sẽ canh tác chờ nguồn nước mưa là chủ yếu.

Đồng thời, cũng thường xuyên khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện dịch bệnh để phòng ngừa, chú ý các loài sâu bệnh tấn công trên lúa và chú ý chống chọi với thời tiết khi hay có mưa bão xảy ra. Áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật để hạn chế chi phí đầu tư để đạt lợi nhuận như mong muốn./.

Mỹ Dung
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 34
  • Hôm nay: 787
  • Trong tuần: 6 009
  • Trong tháng: 34 773
  • Tất cả: 2171741
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.